top of page

Từ đề tài tốt nghiệp đến khởi nghiệp thành công

Sau khi tốt nghiệp ngành sinh học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM với đề tài nghiên cứu tảo xoắn spirulina, anh Văn Hữu Tài (26 tuổi; ngụ xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã khởi nghiệp thành công mô hình nuôi trồng tảo xoắn, cho thu nhập cao.

Không dừng lại ở luận văn tốt nghiệp, anh Tài quyết định nghiên cứu tiếp tảo xoắn spirulina để tạo ra sản phẩm mới cung ứng cho thị trường. "Tảo xoắn có màu xanh lam, hàm lượng dinh dưỡng cao như đạm (gấp 3 lần thịt bò), giàu vitamin và khoáng chất, có thể dùng như một chất bổ sung trong chế độ ăn uống. Nhưng hiện nay, tảo xoắn chủ yếu nhập từ nước ngoài, trong nước sản xuất chưa nhiều" - anh Tài giải thích lý do vì sao sau khi làm đề tài tốt nghiệp, cuối năm 2019, anh đem giống về để thuần dưỡng.


Anh Văn Hữu Tài tự nghiên cứu ra các khoáng chất để nuôi tảo xoắn

Sau khi nhân giống thành công, anh Tài gặp phải khó khăn là khoáng chất (đạm, lân, kali…) để nuôi tảo xoắn rất khó mua do anh mua số lượng ít, trong khi người bán chỉ bán khối lượng lớn. Vậy là anh Tài quyết định tự nghiên cứu sản xuất ra các loại khoáng chất trên. Anh Tài trang bị 8 bồn nuôi bằng xi măng, mỗi bồn chứa khoảng 3 m3 nước, có lót gạch và hệ thống mái che, gắn hệ thống sục khí. Từ khi thả nuôi đến khi tảo đạt từ 5-7 vòng xoắn có thể thu hoạch (khoảng 15 ngày), một lần vớt được từ 2-3 kg tảo tươi/bồn và kéo dài từ 4-5 tháng.


"Tảo tươi khi vớt lên đem cấp đông hoặc sấy thành bột, hoặc làm viên nang và dạng snack. Tảo tươi có vị lợ, béo, hơi tanh. Nếu ai nhạy mùi không ăn được thì sử dụng viên nang. Ngoài ra, tảo sấy khô có thể chế biến nhiều món ăn, dùng làm bánh hoặc khi nấu canh có thể bổ sung để tăng cường dinh dưỡng" - anh Tài cho hay. Theo anh, chỉ cần sử dụng 3 g tảo khô trong khẩu phần ăn, cơ thể sẽ được cung cấp năng lượng tương đương với một bữa do hàm lượng dinh dưỡng cao.


Với giá bán dạng viên nang là 195.000 đồng/lọ (60 viên), tảo miếng giá 3 triệu đồng/kg, tảo tươi từ 600.000-800.000 đồng/kg, mỗi tháng anh Tài cung cấp cho thị trường khoảng 500-600 sản phẩm, lợi nhuận đạt khoảng 50 triệu đồng. Hiện anh Tài đã thành lập cơ sở sản xuất - kinh doanh các sản phẩm từ tảo spirulina với nhãn hiệu "Tảo xoắn Mê Kông". Sản phẩm gồm 2 loại là tảo tươi và tảo khô đã đạt chứng nhận OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") 3 sao do UBND tỉnh Vĩnh Long cấp. Thời gian tới, anh Tài sẽ đa dạng các sản phẩm từ tảo xoắn để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và tăng lợi nhuận cho cơ sở.Bài và ảnh: Ca Linh

Bài và ảnh: Ca Linh

Nguồn: BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG




2 views0 comments
bottom of page